Trước khi nói đến mentoring (cố vấn) trong kinh doanh, vì sao mentor (người cố vấn) & mentee (người được cố vấn) lại cần nhau, chúng ta hãy tìm hiểu mentoring ở các khía cạnh căn bản.
Mentoring là gì?
Mentoring (cố vấn) đại diện cho một mối quan hệ mang tính phát triển, trong đó, mentor (người cố vấn) giám sát & hỗ trợ sự phát triển công việc kinh doanh/sự nghiệp của mentee (người được cố vấn) thông qua các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ & đồng thời nâng đỡ hoặc đỡ đầu.
Mentoring liên quan đến việc hỗ trợ một người nào đó phát triển về mặt sự nghiệp & cá nhân. Mentor & mentee đạt được điều này qua việc xây dựng & duy trì mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau.
Ví dụ: một trong những người mentor của Steve Jobs (sáng lập viên & CEO Apple) là Thiền Sư Kobun Chino Otogowa. Ảnh hưởng của vị Thiền Sư này lên Steve Jobs có thể thấy rõ qua triết lý tối giản trong các thiết kế của sản phẩm Apple. Thiền Sư Kobun Chino Otogowa hiện diện ở những sự kiện quan trọng mang tính cá nhân trong cuộc đời Steve Jobs. Mối quan hệ giữa 2 bên kéo dài hơn 20 năm đến khi Thiền Sư Kobun Chino Otogowa qua đời.
Mentoring khác gì với coaching (huấn luyện)?
Huấn luyện là nhằm đạt được kỹ năng hay kiến thức nhất định. Các nhân làm việc với chuyên gia huấn luyện để đảm bảo họ có được kỹ năng hoặc kiến thức cụ thể. Trọng tâm chính là công việc mang tính chuyên nghiệp, không phải cá nhân. Trong nhiều chừng mực, huấn luyện viên cũng giống như vai trò người giáo viên.
Ví dụ: người chủ doanh nghiệp thuê chuyên gia huấn luyện cho mình & nhóm nhân sự nòng cốt cách thức áp dụng quy trình bán hàng vào doanh nghiệp của mình. Khi kết thúc quá trình huấn luyện, chủ doanh nghiệp & nhóm nhân sự của mình biết cách tự mình vận hành quy trình bán hàng mà không cần sự hướng dẫn, hỗ trợ, cầm tay chỉ việc của chuyên gia này nữa.
Tóm lại, cố vấn tập trung vào phát triển cá nhân, huấn luyện tập trung vào phát triển kỹ năng.
Mentoring được ứng dụng trong các bối cảnh nào?
Mentoring hiện diện dưới nhiều hình thức trong cuộc sống chúng ta. Giáo sư cố vấn sinh viên về định hướng nghề nghiệp. Quản lý cấp cao cố vấn nhân sự mới làm quen văn hóa doanh nghiệp. Nhà khởi nghiệp kỳ cựu cố vấn các sáng lập viên trẻ tuổi về cuộc sống sẽ thay đổi thế nào khi bước vào con đường khởi nghiệp, …
Ở đây, chúng ta sẽ nhìn vào vì sao mentor & mentee lại cần nhau trong môi trường kinh doanh. Chúng ta sẽ không nhìn đơn thuần vào lợi ích mentoring đem lại. Thay vào đó chúng ta nhìn vào “nỗi đau” trong hành trình kinh doanh của cả 2 bên mà mentor & mentee gặp phải & mentoring sẽ khỏa lắp “nỗi đau” này ra sao.
Mentor trong môi trường kinh doanh thường là những người chủ, sáng lập viên hoặc điều hành trực tiếp doanh nghiệp. Đây là những người đi trước, có nhiều trải nghiệm & chuyên môn. Nếu có dịp chuyện trò với họ, chúng ta sẽ nhận ra điểm chung. Đó là tuy từng trải, nhưng họ vẫn phải đối diện những nỗi đau, thách thức thường trực:
- Môi trường thay đổi nhanh & phức tạp, làm thế nào để luôn đổi mới bản thân? Vì không có gì đáng sợ bằng một ngày nào đó chúng ta “vô tình” phát triển tư duy “tôi đã biết hết mọi thứ”.
- Bất luận quy mô doanh nghiệp, quản lý con người là khó nhất. Lãnh đạo không đơn giản chỉ là quyền hành & lương thưởng, giao đúng việc đúng người, ... Môi trường kinh doanh hiện đại đòi hỏi chúng ta về khả năng lãnh đạo gián tiếp, tạo ảnh hưởng tích cực đến không chỉ nhân sự, cổ đông, nhà cung cấp, cộng đồng, …
Trong quá trình mentoring, mentee sẽ không đem lại cho mentor danh vọng, nhưng sẽ đem lại các cách nhìn khác, khác với những gì mentor từng quen thuộc. Những góc nhìn khác nhau sẽ giữ cho mentor luôn sát với thực tế & suy nghĩ luôn cởi mở. Mentee không có ràng buộc hay nghĩa vụ gì với mentor, nhưng nếu mentor có thể tác động hay ảnh hưởng tích cực đến mentee mà không cần gây áp lực hay áp đặt thì đó đúng là tầm cao mới của sự lãnh đạo.
Còn mentee thì sao, họ thường là ai & có những nỗi đau nào? Mentee là những người đi sau, chưa có nhiều trải nghiệm. Họ mới dấn thân vào con đường kinh doanh. Họ là những nhà khởi nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp trẻ. Vì là người đi sau, họ thường gặp phải nỗi đau, thách thức:
- Làm gì khi đối diện sự bất ổn, không rõ ràng? Không có kỹ năng, có thể học. Nhưng không biết phải làm gì kế tiếp, không biết phải định hướng tương lai ra sao cho bản thân, cho công việc kinh doanh của mình là một trong những cảm giác tồi tệ nhất trên đời.
- Xây dựng sự tự tin khi chưa có thành tựu hay kinh nghiệm là đều không hề dễ dàng.
Quá trình mentoring không đem đến cho mentee quả cầu thủy tinh để biết trước tương lai của mình; thay vào đó, mentoring đem đến cho mentee sự trưởng thành. Sự trưởng thành, tự tin cần thiết để tự xây dựng tương lai của mình, tự mình nhìn ra con đường cho riêng mình trong mớ hỗn độn qua những chia sẻ kinh nghiệm & lời khuyên của mentor.
Sẽ không công bằng khi nghĩ rằng chỉ có mentee được “nhận” nhiều nhất, mentor mới là người “cho” đi nhiều nhất từ mentoring. Bất cứ trường hợp điển hình nào của các cặp mentor & mentee có chiều sâu về mức độ tin tưởng, tôn trọng nhau, chúng ta sẽ thấy đó là mối quan hệ 2 chiều, lâu dài & mang tính phát triển.